Thiền có phải là ngưng hoàn toàn các suy nghĩ trong đầu? Trong trải nghiệm thiền, chúng ta thường hay gặp phải khó khăn khi nỗ lực để tâm trí không suy nghĩ, để ta đạt được trạng thái an định. Nhưng thực tế thì, việc nỗ lực để ngưng suy nghĩ là một việc khó khăn, thậm chí phản tác dụng. Bởi vì ta càng cố gắng không suy nghĩ đến (quên đi) điều gì, ta lại càng suy nghĩ đến điều đó. Vì vậy nên chuyện buồn mới khó quên đến thế.
Hãy quay lại bản chất của suy nghĩ, nó có một cơ chế riêng trong việc sinh ra và mất đi, không phụ thuộc vào mong muốn của ta. Nếu vậy thì ta không cần nỗ lực để ngừng suy nghĩ, chỉ cần thay đổi mối quan hệ của ta với những suy nghĩ là được. Suy nghĩ cứ làm việc của nó, còn ta chỉ quan sát mà thôi.
Quan sát đủ lâu, ta nhận ra suy nghĩ có 2 kiểu, một kiểu là những suy nghĩ vô thức, miên man, không mục đích. Ta dễ bị chìm trong những suy nghĩ này. Và đến khi giật mình phát hiện ra, ta thấy những suy nghĩ dạng này không mang lại cho ta lợi ích gì. Vì nó thường đưa ta đi lang thang từ quá khứ đến tận tương lai, nhưng lại không có một mục tiêu cụ thể nào trong những suy nghĩ đó. Thông thường, những suy nghĩ này thường đưa đến cho ta cảm giác hối tiếc hoặc lo lắng, nói chung là một trạng thái bất an âm ỉ với cuộc sống.
Kiểu suy nghĩ thứ 2 là suy nghĩ một cách chủ động, có ý thức. Ta biết ta đang suy nghĩ. Và nếu suy nghĩ đó có mục đích giải quyết một vấn đề ở hiện tại, hay một ý tưởng sáng tạo trong công việc...; ta hoàn toàn có thể sử dụng kết quả của những suy nghĩ này để mang lại lợi ích cho cuộc sống. Điều quan trọng ở đây là, ta hoàn toàn nắm thế chủ động trong những suy nghĩ đó. Biết khi nào nó bắt đầu, và có thể kết thúc lúc nào ta muốn, chứ không bị đắm chìm trong nó.
Nhờ kinh nghiệm với 2 loại suy nghĩ này, ta có quyền lựa chọn cách ta đối xử với từng loại suy nghĩ, để biến chúng thành công cụ phục vụ cuộc sống của ta, chứ không biến ta thành nô lệ cho chúng. Từ đó, ta có thể nâng cao chất lượng suy nghĩ và chất lượng cuộc sống của mình.
0 comments:
Đăng nhận xét