Thứ Hai, 24 tháng 10, 2022

Ảnh hưởng của môi trường gia đình đối với chúng ta


Sự ảnh hưởng của môi trường gia đình khá phức tạp. Nó vừa tạo ra sự đồng thuận giữa các thành viên, về quan điểm sống, về cách nhìn thế giới bên ngoài..., nhưng cũng tạo ra những mâu thuẫn, khi các thành viên trong gia đình có những nhận thức mới từ môi trường khác. Quá trình đồng thuận hay mâu thuẫn này, đều có thể gây ra những tổn thương về tâm lý, nếu người trong cuộc không có một cái nhìn toàn diện hơn về sự trưởng thành tinh thần, tâm linh của mỗi con người.

Đồng thuận có nghĩa là, trong vô thức, ta trở thành một phiên bản khác của những người thân chúng ta. Ta sẽ có quan điểm sống, cách nhìn cuộc sống, tính cách, mối quan hệ...tương tự như người thân trong gia đình ta. Điều này diễn ra một cách âm thầm đến mức ta còn chẳng nhận ra nó, cho đến cái khoảnh khắc mà ta tự quan sát được chính mình. Những ảnh hưởng này, tiêu cực hay tích cực, vẫn lớn lên trong chúng ta như thể đó là định mệnh của ta vậy.

Mâu thuẫn sẽ xảy ra tại thời điểm ta bắt đầu có sự thoát ly khỏi gia đình, tiếp thu nhiều quan điểm mới về cuộc sống. Đôi khi, chúng ta sẽ quay lại oán ghét chính những thứ đã tạo ra ta ngày hôm nay. Bởi vì ta nhận ra, những thứ đó đã níu kéo chúng ta đến với những chân trời mới rạng rỡ và tốt đẹp hơn. Nhưng sự oán giận quá khứ, có bao giờ là điểm tựa tốt để hướng tới tương lai?

Như vậy, chúng ta cần điều gì để có thể tự tin bước tới tương lai, mà không còn dính mắc vào quá khứ? Những vị thầy đã dạy, chúng ta chỉ cần 2 thứ: Từ bi và Trí tuệ.

Trí tuệ có nghĩa là, chúng ta nhận ra, cho dù là người thân trong cùng gia đình, mỗi người đều có một "lịch sử" hoàn toàn khác nhau, dẫn đến tính cách và quan điểm sống cũng sẽ khác nhau. Ta sẽ không còn muốn áp đặt những khuôn mẫu sống mà ta cho là đúng đắn, tốt đẹp lên người khác. Trí tuệ cũng có nghĩa là, ta không ghét bỏ những người thân của ta, không đổ lỗi cho họ vì những gì tiêu cực mà ta bị ảnh hưởng từ họ; nhưng ta có quyền lựa chọn cuộc sống mà ta muốn.

Khi có trí tuệ, từ bi trong ta phát sinh, ta không muốn ta và người thân của ta phải đau khổ nữa. Ta muốn giúp họ bớt đau khổ, nhưng không phải là cố gắng thay đổi họ, mà bằng việc bồi đắp sức mạnh nội tâm, bồi đắp hạnh phúc tự thân, của chính mình. Chính năng lượng bình yên và hạnh phúc tự thân mà ta có, sẽ phần nào chuyển hóa và giúp cho những người thân ở bên ta.

Có một câu chuyện về Tony Robbin, diễn giả phát triển bản thân số 1 thế giới, làm tôi khá ám ảnh. Lúc đang học trung học, Tony Robbin từng bị mẹ mình bạo hành bằng nhiều hình thức, thậm chí ông từng bị mẹ đập đầu vào tường, đổ xà phòng vào họng cho đến khi nôn ra...Nhưng Tony nói, ông ấy hiểu vì sao mẹ ông lại làm như thế. Ông ấy hiểu nỗi đau của bà. Nhưng ông ấy không chấp nhận nối tiếp tổn thương ấy. Tony Robbin đã chọn một cuộc sống tốt hơn, nhiều yêu thương hơn. Và ông lấy nỗi đau bị người thân bạo hành, làm động lực để học tập, phát triển bản thân, trở thành chuyên gia tâm lý thực hành, để cứu thoát cuộc đời mình và cuộc đời những người khác.

Tony có thể tha thứ cho mẹ mình, nhờ cái nhìn yêu thương và hiểu biết. Chúng ta cũng có thể làm được điều tuyệt vời này, nếu ta sẵn sàng bước chân vào con đường tìm hiểu, một cách sâu sắc, về chính mình.


0 comments:

Đăng nhận xét