Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022

Lướt sóng cảm xúc

 

Khi gặp những điều bất như ý trong cuộc sống, ta có cảm xúc tiêu cực như: bất an, lo lắng, thất vọng...Khi bình tâm và nhận ra nó, ta có thể lựa chọn cho mình một suy nghĩ tích cực hơn. Chúng ta thường thấy điều này ở những người có tính cách lạc quan.

Nhưng trong một số trường hợp, khi cảm xúc đến quá mãnh liệt, nó như một cơn sóng lớn có thể cuốn chúng ta đi. Chúng ta không thể chống cự, vì nó quá mạnh, nó dẫn đến một cuộc chiến trong đầu khiến ta đôi khi muốn nổ tung vì quá căng thẳng. Nhưng nếu bị chìm vào trong nó, ắt hẳn ta sẽ không còn những suy nghĩ tỉnh táo, ta sẽ miên man trong đó như người mộng du, không có đường ra.

Một cách khôn ngoan hơn, ta nên chọn cách lướt trên những con sóng cảm xúc. Không bị chìm vào nó, cũng không chống cự lại nó. Cũng như việc lướt trên những con sóng ngoài đại dương, "lướt sóng" cảm xúc yêu cầu người lướt sóng phải có bộ kỹ năng đặc biệt, cần luyện tập thường xuyên cho đến khi nó trở thành phản xạ tự nhiên.

Một trong những kỹ năng để "lướt sóng" cảm xúc mà tôi biết là việc áp dụng bài tập "Đường ray phía Bắc Siberia" (SiBerian North RailRoad), được tác giả Chade Meng Tan đề cập trong cuốn sách thú vị Search Inside Yourself (và được đưa vào giáo trình cải thiện Trí thông minh cảm xúc ở Google từ nhiều năm trước).

Với trải nghiệm cá nhân, tôi thấy đây là một thực hành dễ nhớ, dễ làm, và mang lại hiệu quả rất nhanh chỉ trong một thời gian ngắn thực tập. Vì sao lại gọi tên bài thực tập này là "SiBerian North RailRoad". Bởi vì nó giúp ta dễ nhớ các bước thực hành mà thôi, đó là S (stop), B (breath), N (note), R (reflect) và R (respond).

Khi ta nhận ra một cảm xúc khó chịu xuất hiện trong suy nghĩ, điều đầu tiên ta cần làm là Dừng chúng lại, tạo một khoảng trống nhỏ trong tâm trí, để suy nghĩ trong ta không bị rơi vào vòng xoáy của những câu chuyện củng cố thêm cảm xúc tiêu cực đó. 

Tiếp theo, hãy Hít một hơi thở chánh niệm, tức là ta nhận biết được rõ nét hơi thở đó (như hơi thở đó nóng hay mát, cảm nhận được cảm giác gần lỗ mũi, nơi có hơi thở ra vào...). Chỉ một vài hơi thở chánh niệm cũng đã đủ để đưa bạn về trạng thái bình tâm hơn. 

Giờ là lúc để ta Ghi nhớ những cảm giác trên thân khi chúng ta gặp phải những cảm xúc tiêu cực này. Ví dụ, bạn có thể thấy hơi tức ngực khi có một cơn giận sắp đến, hay thấy bụng râm ran khi gặp chuyện lo lắng... Thân và Tâm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nếu thực tập đủ lâu, ta sẽ phát hiện ra rằng, tương ứng với một cảm xúc trong tâm, sẽ là một cảm giác trên thân. Vì thế, ta có thể nhận biết từ rất sớm cảm xúc nào đang diễn ra trong ta, nhờ vào việc quan sát cảm giác của chúng ta.

Sau đó, ta có thể dành chút thời gian để Nhìn lại (reflect), để hiểu sâu hơn về cảm xúc mà ta đang đối mặt. Tại thời điểm này, ta đã bình tâm hơn rất nhiều, và có sự tỉnh táo để nhận ra nguyên nhân thực sự của cảm xúc, chứ không bị lạc vào trong những câu chuyện vô nghĩa, chỉ để đổ lỗi cho người và cho mình.

Cuối cùng, khi đã bình tâm và hiểu sâu sắc những điều đang diễn ra với cảm xúc của mình, chúng ta sẽ Phản hồi (respond) với lòng Từ Bi và Trí Tuệ, không hại mình, cũng chẳng hại người.  Sự phản hồi này không phải là thứ Phản ứng theo thói quen của Tâm trí. Nó là hành động Đúng đắn một cách tự nhiên vào đúng thời điểm.

Hiểu một cách sâu sắc về cách vận hành của Tâm trí, chúng ta sẽ thấy thật dễ để lý giải mọi suy nghĩ, hành động của mình. Rồi đến một ngày, ta thấy việc gì xảy ra, cảm xúc nào đến với ta, cũng thật hợp lý làm sao. Ta sẽ không còn nhiều băn khoăn về cuộc đời này. Lúc đó, cuộc sống sẽ như một bữa tiệc bày ra để ta thưởng thức, cả vị ngọt và vị cay của cuộc đời.


0 comments:

Đăng nhận xét