Thứ Hai, 11 tháng 7, 2022

Nhạc Trịnh và tôi

Dạo gần đây, khi phim "Em và Trịnh" ra rạp, phong trào cover nhạc Trịnh trở lại mạnh mẽ trong giới ca sỹ trẻ. Thú thực, nghe các bạn ca sỹ trẻ hát nhạc Trịnh, nhiều bài vẫn khiến tôi rung động. Tôi nhận ra, những lời ca đó, khi càng trưởng thành, nó càng có sức hút kỳ lạ, cho dù người hát là ai.

Tôi là một người yêu nhạc Trịnh lâu năm, thủa còn trẻ thì chẳng hiểu ý nghĩa sâu xa trong những lời ca của ông, nhưng vẫn bị cái âm điệu nhạc Trịnh cuốn hút. Dường như cái buồn bã sâu thẳm trong nhạc Trịnh đã chạm đến cái buồn sâu thẳm của mỗi một con người. Đến khi có nhiều trải nghiệm hơn, nhất là khi nghiên cứu về đời sống nội tâm của con người, về tâm linh; tôi mới thực sự hiểu thấu lời ca trong nhạc Trịnh. Nhạc Trịnh như tiếng kinh cầu, là những nốt trầm buồn chạm đến sự thật cốt tủy của cuộc sống.

Nhớ những buổi trưa hè, ngồi cafe Cuối ngõ, như bước vào một thế giới khác. Cái mát dịu của ngôi nhà cũ đầy ắp những hình ảnh của Trịnh Công Sơn, hoa hồng leo vừa đẹp vừa thơm, tiếng hát Khánh Ly réo rắt những bản nhạc Trịnh; như kéo ta khỏi những lo toan thường nhật; dẫn ta vào một không gian u hoài; đưa ta trở lại những khoảng không của tâm hồn mà ta thường chẳng có thời gian để ngó ngàng tới nó.

Khánh Ly nói, đừng coi Trịnh Công Sơn như một thánh nhân, ông chỉ là người bình thường như chúng ta, nhưng "ông có trái tim biết giữ lại những điều ông quý trọng rồi gửi cho mọi người". Chính điều này đã giúp nhạc của ông, tuy mang những hình ảnh siêu thực dường như rất khó hiểu, nhưng vẫn dễ dàng chạm đến trái tim của bao thế hệ nghe nhạc ở Việt Nam.

Có lẽ nhạc Trịnh sẽ còn được nghe trong nhiều thế hệ nữa ở Việt Nam. Vì mỗi người chúng ta, ở góc sâu thẳm trong tâm hồn của mình, luôn có những trăn trở về thân phận của chính mình. Nhạc Trịnh bắt chúng ta phải trăn trở về thân phận của mình, nhưng cũng chính nhạc Trịnh tạo cơ hội để chúng ta được giải thoát. Để rồi chúng ta ngồi "lặng lẽ nơi này", và nhận ra rằng: "sống trong đời sống, cần có một tấm lòng", chỉ "để gió cuốn đi"...


0 comments:

Đăng nhận xét