Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2021

HÀNH TRÌNH UNG DUNG - NGÀY THỨ TƯ

 NHÌN CÂY SỬA GỐC, NHÌN CON SỬA MÌNH

Lâu rồi mình không nổi giận như vậy.

Hôm nay khi cô giáo báo về một loạt tội trạng của cô con gái cưng nào là ngồi học không tập trung, làm việc riêng, không tương tác, thường xuyên tắt camera, cô giao gọi hỏi bài thì tự thoát ra ngoài phòng zoom, lấy cớ là "con bị out" mà mình không thể kiềm chế được cơn giận.

Điên tiết, mình lôi con bé ra xạc một trận ra trò, ném tung tóe đồ đạc trên bàn của nó mà mình cho là "nguyên nhân gây mất tập trung trong học tập". Khỏi phải nói, con bé sợ run, vừa khóc vừa xin lỗi liên tục "mẹ ơi con xin lỗi, cho con một cơ hội nữa". Mình quan sát thấy cơn giận của mình và hành động của mình nhưng mình không thể "phanh" được, điều duy nhất mình giữ được là không đánh con bé.

Sau khi hạ hỏa, mình ngồi lại và tự hỏi "Tại sao mình lại GIẬN đến mức như vậy????" và mình quan sát thấy 3 tầng suy nghĩ - 3 tầng cảm xúc:

Tầng thứ nhất, trách con, đầu mình liên tục dội lên với những cảm xúc, suy nghĩ:

- Mình không ngờ là còn bé tí mà con bé đã có những trò "lươn lẹo" như thế.

- Mình thấy bàng hoàng, ngỡ ngàng cảm giác như niềm tin đối với con bị sụp đổ, con bé dám nói dối, giở trò, bla bla,...

- Mình lo sợ rằng nó chểnh mảng học hành thì kết quả kém.

- Mình xấu hổ với cô giáo vì lúc nào cô giáo phản ánh mình cũng khăng khăng bênh con mình.

Chả lâu sau thì mình cũng nhận ra đó chỉ là cái cớ, rõ ràng đó là những thứ ở bề mặt thôi.

Tầng thứ hai, tự trách bản thân: Mình quay sang suy nghĩ về vai trò của người làm mẹ như mình:

-  Mình đã sát sao với việc học của con chưa?

- Mình đã đồng hành với con trong việc xây dựng và thực hiện theo thời gian biểu chưa?

- Mình đã dạy cho con ý thức tự giác học tập chưa?

- Có phải mình đang yêu cầu một đứa trẻ phải ở vào vai trò trách nhiệm như của một người lớn không?

Đến đây thì mình thấy đỡ giận con bé hơn nhưng thật sự vẫn còn cảm giác khó chịu, khó chịu với suy  nghĩ "Tất cả vẫn là lỗi của mình", mình vẫn giữ thái độ hậm hực với con bé mặc dù nó làm mọi cách để xoa dịu mẹ.

Đến chiều thì mình nhận ra tầng thứ ba, khi mình nhớ lại chia sẻ của chị H trong một buổi off của CLB 51 Hoa Viên, và mình hiểu ra lý do tại sao mình lại nổi giận một cách "crazy" như vậy: những vấn đề của con bé chính xác là những vấn đề đang bế tắc của bản thân mình:

- Con bé bảo: "Con thoát ra vì con không biết trả lởi cô giáo như thế nào, con không hiểu cô giáo hỏi gì". Miệng thì bảo con rằng không biết thì con phải hỏi cô, phải chăm chú nghe giảng nhưng chợt nhận ra bản thân mình cũng vậy mà, mình luôn muốn trốn chạy khi gặp vấn đề khó, chả đâu xa ngay trong bài viết "Hành trình ung dung - ngày thứ ba" ngay hôm qua đây thôi.

- Mình ném hết những thứ trên bàn con bé mà mình cho là "vô bổ", "nguyên nhân gây mất tập trung" bởi chính xác trong lòng mình cũng đang muốn ném đi tất cả những thứ mà mình thấy "vướng bận", "cản trở", chỉ là những thứ đó nó nằm trong tâm trí của mình và mình thấy bất lực vì không lôi ra và "ném" nó đi như ném đồ đạc của con được.

Đến đây thì mình nhận ra vì sao mình lại nổi khùng lên như vậy, nó phản ánh sự bất lực với chính những vấn đề đang ẩn trong bản thân mình, mình đã hiểu và mình thấy thương.

Các cụ nói chả sai tí nào "Người cha là người thầy vĩ đại nhất của con", con bé nó đang phản ánh chính xác những gì mình "say sưa dạy nó một cách vô thức".

Đến chiều muộn khi con bé con rủ mình bật nhạc nhảy múa thì mình đã bình tâm và thoải mái trở lại. Thấy thật biết ơn nó vì mặc dù bị mẹ làm cho một trận khiếp vía nhưng vẫn rất nhanh chóng vui vẻ trở lại, mình biết là nó vẫn rất yêu thương bà mẹ "crazy" của nó. 

Bài học rút ra: Điều mà mình khó chịu với người khác chính là điều mình đang mắc phải

NHÌN CÂY SỬA GỐC, NHÌN CON SỬA MÌNH


Thúy Hoàng Phương

0 comments:

Đăng nhận xét