Năm 2016, tôi tham gia một khóa thiền Vipassana 10 ngày ở TP HCM. Trong 10 ngày này, chúng tôi ngồi thiền cả ngày từ 4h30 sáng cho đến 9h tối. Và kết thúc mỗi ngày, chúng tôi được nghe bài pháp thoại của thầy Goenka, người sáng lập khóa thiền Vipassana mà chúng tôi được tham gia. Một trong chi tiết mà tôi nhớ nhất trong những bài pháp thoại được nghe, đó là khi thầy Goenka so sánh một người tù nhân ở sau song sắt, với một người đang tự do ngoài song sắt. Hiện trạng thì rõ ràng 2 người này hoàn toàn khác nhau. Nhưng về tiềm năng của "cái xấu", thì 2 người này cơ bản là giống nhau, nếu cả 2 người này vẫn còn mang trong mình những hạt giống của vô minh. Người ở trong tù đã biến hạt giống vô minh thành hành động vô minh, biến tiềm năng của cái bất thiện thành hành động bất thiện. Người ở ngoài song sắt, nếu trong mình mang những hạt giống của tâm bất thiện, là Tham - Sân - Si; thì nếu có đủ nhân duyên, những hạt giống bất thiện này sẽ trở thành những hành động bất thiện lúc nào không hay.
Chúng ta thường có cái nhìn phân biệt giữa chúng ta với người khác, mà quên mất đi "tiềm năng của cái xấu" trong mỗi người là như nhau. Hôm nay, bạn đọc báo và thấy có vị bộ trưởng vì nhận hối lộ mà phải dính vòng lao lý. Có thể bạn thấy hả hê vì kẻ xấu đã bị trừng trị; mà quên mất rằng đó chỉ là Kết Quả của cái Tâm Tham mà vị bộ trưởng ấy đã gieo trong những năm qua. Và bạn cũng quên luôn rằng: hạt giống của cái Tâm Tham ấy vẫn đang phát triển mạnh mẽ trong bạn, chỉ chờ có cơ hội để nảy nở thành Quả, mà thôi.
Một ví dụ khác, nếu bạn đang đi xe trên đường và chẳng may va chạm giao thông với một người thô lỗ, đáng ghét. Bạn bị người kia đối xử một cách tệ bạc như mắng chửi, thậm chí là dùng đến vũ lực. Nếu những hạt giống SÂN HẬN hàng ngày được nuôi dưỡng trong bạn, trong những va chạm thường ngày với những người xung quanh, trong những ẩn ức tâm lý không thể nói ra bằng lời. Thì khi gặp hoàn cảnh như thế này, nó sẽ là giọt nước tràn ly, để tất cả những SÂN HẬN trong bạn được phát tiết thành hành động. Và rất có thể, chỉ từ 1 vụ va chạm nhỏ trên đường, có thể biến thành 1 vụ án mạng không chừng. Nếu quan sát kỹ tâm mình thì bạn sẽ thấy tâm SÂN HẬN luôn có trong người mình, và chỉ trực chờ để bùng nổ thành hành động. Nó xuất phát từ những thứ tưởng chừng nhỏ nhặt như: con bạn nghịch ngợm làm hỏng đồ mà bạn quý, vợ bạn sai bạn trông con nhỏ trong khi bạn đang làm dở công việc dự định sẽ xong trong ngày... Nói chung, tâm sân hận nảy sinh khi bạn khó chịu với một việc bất như ý. Với cách nhìn như thế, chúng ta sẽ nhìn thấy "tiềm năng của sự bạo lực" trong mỗi người chúng ta. Nếu không cẩn thận với tâm mình, thì "người ngồi trong song sắt" chính là chúng ta, chứ không phải ai khác.
Hàng ngày trên báo thường có vô số các vụ án mạng ghê rợn mà hung thủ - nạn nhân từng là những người "đầu gối - tay kề", là vợ chồng hoặc người yêu của nhau. Vì sao vậy? Liệu có phải những lời nói yêu thương trong lúc còn mặn nồng giữa họ chỉ là những điều giả dối. Tôi không nghĩ như vậy. Nhưng nếu tình yêu không có hiểu biết, xuất phát từ tâm SI MÊ, thì sẽ có tiềm năng để biến YÊU thành GHÉT, thành thù hận. Bởi vì với tâm SI MÊ, người ta muốn SỞ HỮU cái mà họ thích. Khi không còn sở hữu (hoặc không được sở hữu), họ phát sinh sự giận dữ, và biến cái mà họ đã từng Yêu Thương trở thành kẻ thù của họ. Tâm SI MÊ luôn tồn tại trong mỗi người chúng ta mà ta không để ý. Khi bạn nhìn thấy một bông hoa đẹp, bạn có muốn hái bông hoa đó về cắm trong lọ hoa nhà bạn? Khi bạn thấy một người phụ nữ (hay đàn ông) làm bạn yêu thích, bạn có muốn sở hữu mối quan hệ tình cảm với họ? Chúng ta không biết rằng chúng ta có tiềm năng của SI MÊ trong người, chỉ đợi một ngày đủ điều kiện để biến thành ĐAU KHỔ.
Việc nói về "tiềm năng của cái xấu" trong mỗi người, không phải để chúng ta bi quan về cuộc sống, mà là để chúng ta hiểu về Sự Thật. Từ đó, chúng ta có cái nhìn từ bi hơn về những người, những việc mà ta đã từng phán xét. Ngoài ra, việc quan sát tâm và nhận ra tâm chúng ta bất thiện như thế nào, giúp chúng ta hiểu rằng việc rèn luyện tâm là một trong những điều quan trọng nhất trong đời.
0 comments:
Đăng nhận xét