happiLab Phòng thí nghiệm Hạnh phúc

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

Thân và Tâm

MỐI QUAN HỆ THÔNG THƯỜNG GIỮA THÂN VÀ TÂM

Mỗi khi bị ốm đau, người mệt mỏi, nếu chịu khó quan sát, bạn sẽ thấy cảm xúc những lúc đó thật tệ. Hoặc khi bạn đang có chuyện buồn phiền trong lòng, bạn thấy thân thể thật nặng nề, khó chịu. Rõ ràng là Thân và Tâm có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Suy luận một cách logic, nếu bạn mong muốn mình luôn vui vẻ, yêu đời; việc rèn luyện thân thể khỏe mạnh cũng là một yếu tố quan trọng. Có lẽ chính vì thế mà hiện nay phong trào rèn luyện sức khỏe trở nên phổ biến hơn trong tư duy của mọi người trong xã hội. 

Cách đây tầm 10 năm, nếu đi bộ trong một công viên bất kỳ ở Hà Nội, bạn sẽ chỉ thấy người già và trẻ con. Ngày nay, trong công viên tràn ngập nam thanh nữ tú, quần áo giày dép thể thao rất chuyên nghiệp.

Người có năng lực về các môn thể thao cụ thể thì tham gia các Câu Lạc Bộ bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, bơi lội, hay các môn thể thao cao cấp hơn như quần vợt hoặc golf. Phổ biến hơn, phù hợp cho nhiều người, là chạy bộ, hoặc đơn giản nhất là đi bộ. Môn nào cũng mang lại sức khỏe thể chất, và phần nào cũng mang lại sức khỏe tinh thần cho người tập luyện. 

ĐỪNG DÍNH MẮC VÀO CẢM GIÁC TRÊN THÂN

Ta không phủ nhận, khi Thân khỏe thì Tâm cũng vững vàng. Nhưng có một sự thật là, Thân rồi cũng sẽ già, bệnh, rồi mất đi. Đó là quy luật của cuộc sống này. Nếu bám víu vào sự khỏe mạnh của cái Thân, để mong cầu sự hỷ lạc nơi Tâm, điều đó thật ra là ảo tưởng. Nếu như thế, tuổi già và bệnh tật sẽ đồng nghĩa với khổ đau hay sao?

Theo bạn, với những người, nỗi đau về thể chất là một định mệnh với họ, liệu họ có thể hạnh phúc?

Câu trả lời là: hoàn toàn có thể.

"Tôi đã sống một cuộc sống trọn vẹn và viên mãn...Tôi đã có một khoảng thời gian huy hoàng để sống và nghiên cứu vật lý lý thuyết. Tôi hạnh phúc vì mình đã góp thêm chút hiểu biết của chúng ta về vũ trụ". 

Đây là câu nói của Stephen Hawking, nhà vật lý lý thuyết thiên tài, người đã sống gần cả cuộc đời trên xe lăn chuyên dụng.

Hãy nhìn cuộc đời của Stephen Hawking, Helen Keller và rất nhiều người phải chịu những nỗi đau thể chất. Cuộc đời thiệt thòi về thể chất của họ, không ngăn được họ hạnh phúc. Không những thế, họ còn mang lại nhiều giá trị cho thế giới.

Cuộc đời của họ truyền cảm hứng cho chúng ta về sức mạnh của Tâm Trí, có thể vượt qua những giới hạn về Thể chất, để có một cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa.

NHƯNG CŨNG ĐỪNG DÍNH MẮC VÀO CẢM XÚC TRONG TÂM


Người ta thường hay chúc nhau: bình an, vui vẻ, hạnh phúc. Thực ra, đó cũng chỉ là một loại cảm xúc mà thôi. 

Mà cảm xúc của chúng ta thì luôn thay đổi. Đó là bản chất của Tâm trí này, lúc là Khổ, lúc là Lạc, lúc lại là Xả (không Khổ cũng không Lạc).

Vì thế, bạn sẽ nhận ra, An Yên thực sự không đến từ hỷ lạc của Tâm, bởi vì bạn đâu thể giữ sự hỷ lạc nơi Tâm mãi được.

Như vậy, liệu bạn có còn kỳ vọng vào hạnh phúc bền vững đến từ nơi Thân, Tâm này?

Nói những điều này, không có nghĩa rằng ta không quan tâm, coi thường, hay để mặc Thân Thể và Tâm Trí của ta, công cụ tuyệt vời để ta trải nghiệm cuộc sống này. 

Nhưng ta hiểu ra điều quan trọng nhất cần làm trong kiếp sống này, không chỉ là rèn Thân, luyện Tâm; mà còn là nhận ra sự An Lạc Thường Hằng trong ta, thứ nằm ngoài cả Thân và Tâm này.



Thứ Hai, 21 tháng 11, 2022

HIỆN TẠI

 

Bạn sẽ trả lời ra sao, khi được hỏi, thế nào là hạnh phúc?

Nếu bạn có quan niệm giống với số đông trong xã hội ngày nay; bạn sẽ trả lời rằng, bạn hạnh phúc nếu bạn đạt được điều gì đó mà bạn mong muốn, tất nhiên, ở trong thì tương lai. 

Sự thực thì, bạn đâu có sống ở tương lai, để biết trước được, những điều bạn đạt được (ở trong tương lai), có thực sự làm bạn hạnh phúc hay không?

Bạn có biết, mục đích sâu hơn của việc tìm kiếm hạnh phúc trong tương lai; đó là bạn đang tìm các lý do đủ tốt để thỏa mãn với … hiện tại.

Có nghĩa là, bạn phấn đấu cho một mục tiêu nào đó: mua một ngôi nhà đẹp, một chiếc xe ô tô xịn, có vợ đẹp con ngoan, sự nghiệp thăng tiến, để lại danh tiếng cho đời…, cũng chỉ là để bạn cảm thấy hài lòng rằng, hiện tại, bạn đang ổn. Bạn đang đi đúng đường. Bạn đang có một mục tiêu xứng đáng để theo đuổi…

Từ khóa ở đây chính là hiện tại.

Như vậy, hạnh phúc mà bạn thường tưởng tượng ra, thực ra nằm ngay ở sự hài lòng của bạn với giây phút hiện tại. 

Hãy cho mình một khoảng không gian tĩnh lặng, và chậm rãi trả lời câu hỏi sau, một cách thành thật nhất: “Ngay lúc này, bạn có thấy thiếu thốn, hay cần phải làm gì đó để thay đổi giây phút hiện tại không?". 

Nếu câu trả lời là không, nếu bạn thấy bình tâm ngắm nhìn mọi cảm xúc đang diễn ra trong bạn vào lúc này; đó là lúc bạn đã thực sự thỏa mãn với hiện tại. Và nếu thế thì, bạn không còn cần tìm kiếm hạnh phúc ở nơi đâu nữa. Hạnh phúc là ở đây và bây giờ.


Thứ Hai, 14 tháng 11, 2022

CÕI TRỜI

 Hầu hết mọi người, đi qua nửa cuộc đời, thường sẽ trải qua những sóng gió, khó khăn của cuộc đời. Đó là những khoảng thời gian mất niềm tin vào cuộc sống, hoặc nhẹ nhàng hơn là những lần chìm trong nỗi buồn về những mối quan hệ (yêu đương, bạn bè, gia đình), hay những mất mát, thay đổi trong sự nghiệp, sức khỏe, tài chính...

Nhưng có một số người, họ gần như không có bất cứ sự khó khăn nào về vật chất lẫn tinh thần, trong suốt một quãng đường dài của cuộc sống. Có thể họ sinh ra trong một gia đình đầy đủ vật chất và cả tinh thần. Họ không phải lo lắng về tiền bạc khi đến tuổi trưởng thành như bao bạn bè của họ. Họ may mắn có bố mẹ tâm lý, bạn bè tốt, vợ (chồng) cũng tuyệt vời. Con cái của họ cũng ngoan ngoãn và học giỏi, tài năng...Nói chung, cuộc sống của họ không khác gì ở Thiên Đường vậy. 

Nhưng cũng tương tự như Cõi Trời trong giáo lý nhà Phật, họ cũng phải vượt qua chướng ngại rất lớn để thành Đạo, tức Giác Ngộ hay hiểu biết Sự thật. Bởi vì, chính ở Cõi Trời, sẽ là nơi khó Buông bỏ được những thứ ta yêu thích. Sống trong một điều kiện tuyệt vời, họ gần như mặc định cuộc sống là như thế. Thậm chí khi hiểu biết hơn về Trí tuệ cuộc sống, họ cũng khó buông bỏ thói quen đã sâu đậm trong đời sống của họ.

Có câu chuyện về con trai vị tỷ phú giàu thứ 3 Malaysia, sinh ra và lớn lên ở Anh, mang trong mình dòng máu hoàng gia Thái Lan, thông thạo 8 ngôn ngữ..., đúng là sinh ra ở vạch đích. Nhưng anh đi tu năm 18 tuổi với pháp danh Ajahn Siripanyo, bỏ lại đằng sau gia tài hơn 5 tỷ đô la mỹ của người cha doanh nhân. Điều này cũng tương tự như một người ở trong "cõi trời" đi tìm Đạo vậy. Quả thật rất hiếm và rất khó.


Nếu bạn may mắn được sống trong "cõi Trời", chúc mừng bạn. Nhưng thứ giúp ta nhận ra Trí tuệ thực sự, nó nằm trong nhiều lăng kính khác của cuộc sống mà có thể bạn chưa bao giờ được tiếp cận. Nếu bạn quyết tâm tìm Đạo, hãy sẵn sàng để thay đổi.


Thứ Ba, 8 tháng 11, 2022

Sự cần thiết của Thiền trong việc phát triển nội tâm

 Trong quá trình hỗ trợ người khác trên con đường phát triển nội tâm, tôi nhận ra, khó khăn lớn nhất trong quá trình phát triển sự vững mạnh của nội tâm, đó là việc đưa những Hiểu Biết của ta vào Đời Sống. Tức là, về lý thuyết, chúng ta vẫn Biết cần làm gì. Nhưng thực tế, ta dễ bị cuốn trôi bởi cảm xúc. Để khắc phục điều này, không gì hơn là đưa việc thực tập Quan Sát - Nhận ra, trở thành một thói quen hàng ngày, thông qua một công cụ vô cùng hiệu quả, đó là Thiền. 

Xin nhắc lại, Thiền không phải là một nghi thức tôn giáo. Đơn giản nó là một công cụ hữu hiệu để rèn luyện tâm. Bản chất của Thiền là tiến trình tìm hiểu, làm quen với tâm thức của chính mình. Trong quá trình thực tập Thiền, ta quan sát được sự biến đổi của mọi thứ trên Thân, đồng thời với sự biến đổi của mọi thứ trong Tâm. Thiền với sự Tỉnh giác, hay cái Biết, giúp ta luôn quay trở về để "nhận ra", hết lần này đến lần khác. Kỹ năng "nhận ra", từ đó mà hình thành.

Khi đã quen thuộc với kỹ năng "nhận ra", ta sẽ đưa nó vào đời sống hàng ngày. Đưa sự "nhận ra" vào trong các cuộc giao tiếp của ta với người khác, của ta với chính ta. Đưa sự "nhận ra" vào trong môi trường công việc, gia đình, bạn bè, xã hội...

Mỗi một khoảnh khắc "nhận ra", ta có thêm Trí tuệ. Mỗi một khoảnh khắc "nhận ra", ta có quyền lựa chọn suy nghĩ, hành động ở giây phút tiếp theo, mà không bị cuốn đi bởi Tâm trí. Chất lượng các mối quan hệ, chất lượng suy nghĩ, chất lượng cuộc sống..., cũng từ đó mà tăng lên.

Trong quá trình thực tập Thiền, sẽ có những hiểu lầm, vướng mắc mà đa số mọi người đều mắc phải. Điều này làm cản trở quá trình tiến bộ của bản thân, thậm chí làm chúng ta bỏ đi thói quen hữu ích này. Như thế thật đáng tiếc. 

Chính vì thế, việc có một nhóm để cùng nhau hỗ trợ; từ kiến thức, góc nhìn đúng đắn về Thiền; cho đến cách thức thực hành hiệu quả với từng người; là rất cần thiết.

Việc đầu tiên cần làm, đối với những người đã thực tập Thiền, đó là chia sẻ những trải nghiệm Thiền lên nhóm của mình, để nếu có vướng mắc, sẽ được giải đáp. Và quan trọng hơn cả là tạo ra thói quen Thiền hàng ngày cho chính mình, đồng thời lan tỏa tinh thần này đến với mọi người trong nhóm.

Đối với những người chưa bắt tay vào thực tập Thiền, mọi người có thể đặt tất cả các câu hỏi về Thiền trên nhóm của mình, và được những người có kinh nghiệm hơn giải đáp. Tôi tin rằng, khi hiểu ra bản chất của Thiền, nhận ra sự hiệu quả của nó trong quá trình rèn luyện tâm; mọi người sẽ không thể khước từ.

Tóm lại, để phát triển nội tâm vững vàng, nâng cao chất lượng sống, rất cần thay đổi thói quen của tâm trí, thông qua một công cụ mạnh mẽ, đó là Thiền.

Như Đại Lai Lạt Ma từng nói: "Để tránh những loại kết quả nhất định, bạn cần phải thay đổi điều kiện tạo ra chúng. Nếu bạn thay đổi khuôn mẫu thói quen của tâm trí, bạn có thể thay đổi thái độ và cảm xúc của mình, từ đó giúp nội tâm có được sự an bình và hạnh phúc".



Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

QUAN NIỆM

 

Ảnh sưu tầm
(Ảnh sưu tầm)

Trong cuộc sống, có những điều mà ta mặc định coi là đúng hay sai, mà không dành thời gian suy nghĩ lại về tính đúng đắn của những nhận định đó. Có thể gọi đó là cách hiểu riêng của ta về một sự vật, một vấn đề. Đó chính là Quan niệm.

Một số thí dụ về Quan niệm trong xã hội mà chúng ta đang sống: "Đẻ con phải đủ nếp đủ tẻ", "Gia đình có đầy đủ bố mẹ thì con cái mới hạnh phúc", "Chúng ta không thể có hạnh phúc nếu sống độc thân cho đến cuối đời"...

Chỉ cần một chút bình tâm và để con tim lên tiếng, ta sẽ thấy những điều này không đúng. Nhưng vì thói quen, rất nhiều quan niệm đã ăn sâu vào trong đời sống, văn hóa của chúng ta, khiến chúng ta có những góc nhìn hạn hẹp và định kiến về người khác, và cả về chính mình.

Quan niệm, tiêu chuẩn rõ ràng là khác nhau trong những môi trường văn hóa, xã hội khác nhau. Nó cũng thay đổi theo thời gian nữa. Thí dụ, những tiêu chuẩn về cái đẹp trong văn hóa Phục Hưng, khác hoàn toàn so với thời hiện đại. Hay quan niệm về thành công của một công dân Mỹ, sẽ khác với một người dân Tây Tạng.

Thế nhưng, đa số chúng ta vẫn bị dính mắc vào những tiêu chuẩn này, thậm chí tự tạo ra những tiêu chuẩn riêng, và mang cuộc sống của mình, và của người khác (đa phần là những người yếu thế hơn mình: con cái mình chẳng hạn), nhốt vào trong cái lồng mang tên "tiêu chuẩn" ấy. Và từ đó, rất nhiều nỗi đau ra đời, mang danh xưng thật đẹp đẽ: "yêu thương", "quan tâm", "hy sinh"...

Nếu một ngày, chúng ta nhận ra những "tiêu chuẩn" đó không làm ta và những người thương của ta hạnh phúc; ta sẽ muốn phá bỏ hàng rào của quan niệm, cởi mở hơn với người, với đời. 

Ta nhận ra, cuộc sống này hạnh phúc hay không, chẳng phụ thuộc vào Đúng hay Sai, mà phụ thuộc vào cái Tâm bao la rộng mở, đón nhận tất cả Đúng - Sai vào trong nó. 


Thứ Hai, 24 tháng 10, 2022

Ảnh hưởng của môi trường gia đình đối với chúng ta


Sự ảnh hưởng của môi trường gia đình khá phức tạp. Nó vừa tạo ra sự đồng thuận giữa các thành viên, về quan điểm sống, về cách nhìn thế giới bên ngoài..., nhưng cũng tạo ra những mâu thuẫn, khi các thành viên trong gia đình có những nhận thức mới từ môi trường khác. Quá trình đồng thuận hay mâu thuẫn này, đều có thể gây ra những tổn thương về tâm lý, nếu người trong cuộc không có một cái nhìn toàn diện hơn về sự trưởng thành tinh thần, tâm linh của mỗi con người.

Đồng thuận có nghĩa là, trong vô thức, ta trở thành một phiên bản khác của những người thân chúng ta. Ta sẽ có quan điểm sống, cách nhìn cuộc sống, tính cách, mối quan hệ...tương tự như người thân trong gia đình ta. Điều này diễn ra một cách âm thầm đến mức ta còn chẳng nhận ra nó, cho đến cái khoảnh khắc mà ta tự quan sát được chính mình. Những ảnh hưởng này, tiêu cực hay tích cực, vẫn lớn lên trong chúng ta như thể đó là định mệnh của ta vậy.

Mâu thuẫn sẽ xảy ra tại thời điểm ta bắt đầu có sự thoát ly khỏi gia đình, tiếp thu nhiều quan điểm mới về cuộc sống. Đôi khi, chúng ta sẽ quay lại oán ghét chính những thứ đã tạo ra ta ngày hôm nay. Bởi vì ta nhận ra, những thứ đó đã níu kéo chúng ta đến với những chân trời mới rạng rỡ và tốt đẹp hơn. Nhưng sự oán giận quá khứ, có bao giờ là điểm tựa tốt để hướng tới tương lai?

Như vậy, chúng ta cần điều gì để có thể tự tin bước tới tương lai, mà không còn dính mắc vào quá khứ? Những vị thầy đã dạy, chúng ta chỉ cần 2 thứ: Từ bi và Trí tuệ.

Trí tuệ có nghĩa là, chúng ta nhận ra, cho dù là người thân trong cùng gia đình, mỗi người đều có một "lịch sử" hoàn toàn khác nhau, dẫn đến tính cách và quan điểm sống cũng sẽ khác nhau. Ta sẽ không còn muốn áp đặt những khuôn mẫu sống mà ta cho là đúng đắn, tốt đẹp lên người khác. Trí tuệ cũng có nghĩa là, ta không ghét bỏ những người thân của ta, không đổ lỗi cho họ vì những gì tiêu cực mà ta bị ảnh hưởng từ họ; nhưng ta có quyền lựa chọn cuộc sống mà ta muốn.

Khi có trí tuệ, từ bi trong ta phát sinh, ta không muốn ta và người thân của ta phải đau khổ nữa. Ta muốn giúp họ bớt đau khổ, nhưng không phải là cố gắng thay đổi họ, mà bằng việc bồi đắp sức mạnh nội tâm, bồi đắp hạnh phúc tự thân, của chính mình. Chính năng lượng bình yên và hạnh phúc tự thân mà ta có, sẽ phần nào chuyển hóa và giúp cho những người thân ở bên ta.

Có một câu chuyện về Tony Robbin, diễn giả phát triển bản thân số 1 thế giới, làm tôi khá ám ảnh. Lúc đang học trung học, Tony Robbin từng bị mẹ mình bạo hành bằng nhiều hình thức, thậm chí ông từng bị mẹ đập đầu vào tường, đổ xà phòng vào họng cho đến khi nôn ra...Nhưng Tony nói, ông ấy hiểu vì sao mẹ ông lại làm như thế. Ông ấy hiểu nỗi đau của bà. Nhưng ông ấy không chấp nhận nối tiếp tổn thương ấy. Tony Robbin đã chọn một cuộc sống tốt hơn, nhiều yêu thương hơn. Và ông lấy nỗi đau bị người thân bạo hành, làm động lực để học tập, phát triển bản thân, trở thành chuyên gia tâm lý thực hành, để cứu thoát cuộc đời mình và cuộc đời những người khác.

Tony có thể tha thứ cho mẹ mình, nhờ cái nhìn yêu thương và hiểu biết. Chúng ta cũng có thể làm được điều tuyệt vời này, nếu ta sẵn sàng bước chân vào con đường tìm hiểu, một cách sâu sắc, về chính mình.


Thứ Ba, 18 tháng 10, 2022

Nước để làm gì?

"Nước để uống mà". Mình đã nói câu này khi thấy con gái hơn 3 tuổi của mình sau khi uống nước căng bụng thì bắt đầu nghịch nước.

Tự nhiên một thứ gì đó bên trong mình phản hồi rằng câu nói theo thói quen đó của mình có gì đó chưa đủ. Nước để uống, và còn có thể để tắm, để giặt, để chơi nữa...Như vậy, ý nghĩa của một sự vật, sự việc; không chỉ đơn thuần như cái nhìn ban đầu của chúng ta. Thực ra là, nó có muôn vàn ý nghĩa, phụ thuộc vào nhận thức, kinh nghiệm...của chúng ta, phụ thuộc vào thời gian, không gian mà sự vật, sự việc đó xuất hiện, phụ thuộc vào...nhiều nhiều lắm các yếu tố.

Chúng ta thử làm một bài test nhỏ sau đây nhé. Theo bạn, đây là cái gì?

Với một người có óc tưởng tượng, họ sẽ nói rằng đây là một bức tranh.

Với người thực tế, họ sẽ nói rằng đây là chữ tượng hình, nhưng họ không biết ý nghĩa của nó.

Với người thông thạo chữ viết Tây Tạng, họ sẽ nói rằng, đây là chữ A.

Vì sao cùng một hình ảnh như trên, lại có nhiều ý nghĩa như thế. Phải chăng, hình ảnh đó chẳng có một ý nghĩa nào cả, trừ cái ý nghĩa mà mình gán cho nó.

Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên gặp chuyện này. Thí dụ, cùng một sự việc xảy ra, nhưng vợ chồng có khi lục đục vì mỗi người hiểu một kiểu. Hay có những hành động mà bố mẹ nghĩ rằng sẽ tốt cho con cái, mà con cái thì thấy những việc đó chẳng khác gì khủng bố tinh thần. Sự sai khác trong cái nhìn về ý nghĩa của một sự vật, sự việc đã làm cho mối quan hệ giữa người với người trở nên xa cách, kể cả là những mối quan hệ gần gũi, thân thiết nhất.

Biết được điều này, chúng ta đơn giản là hãy cởi mở với tất cả những góc nhìn của mọi người. Và cũng cởi mở với góc nhìn của chính mình về cuộc đời. Trong vũ trụ này, có hàng tỷ tỷ những thực tại. Chúng ta chọn thực tại nào, đau khổ hay hạnh phúc, địa ngục hay thiên đường, là phụ thuộc vào ý nghĩa mà bạn gán cho cuộc đời này, mà thôi.